Thanh Trì (Hà Nội): Diện mạo mới của huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Huyện Thanh Trì sẽ tiếp tục tập trung vào các mục tiêu sau để nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, hướng tới phát triển đô thị:

  • Phát triển kinh tế: Đẩy mạnh phát triển kinh tế, thương mại dịch vụ.
  • Nâng cao đời sống: Quan tâm đến công tác giáo dục, y tế và du lịch.
  • Bảo vệ môi trường: Chú trọng bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan, xây dựng không gian nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp và văn minh.
Thanh Trì (Hà Nội): Diện mạo mới của huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Trong quá trình xây dựng nâng thôn mới, huyện Thanh Trì luôn ưu tiên, chú trọng nâng cấp hạ tầng nông thôn. (Ảnh: Ý Nhi)

Nhiều đổi thay tích cực

Theo tìm hiểu, huyện Thanh Trì đã trở thành huyện đầu tiên của Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023, cán đích sớm hơn 2 năm so với kế hoạch đề ra.

Sau gần 14 năm phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn huyện đã xây dựng và nhân rộng được nhiều mô hình tiêu biểu, điển hình trên tất cả các lĩnh vực. Trong quá trình đó, nhiều điển hình, phong trào, mô hình đã xuất hiện. Trong đó phải kể đến điển hình là mô hình “Nhân dân hiến đất và đóng góp ngày công lao động làm đường làng ngõ xóm”; Phong trào “sản xuất kinh doanh giỏi”; “Sáng kiến, sáng tạo”; mô hình trồng rau thủy canh tại xã Yên Mỹ; Mô hình nuôi thủy sản tập trung xã Đông Mỹ, mô hình trồng cam, quất, bưởi tập trung xã Vạn Phúc; mô hình nuôi cá “sông trong ao” tại xã Đại Áng. Các mô hình, điển hình này đã góp phần thúc đẩy phát triển, cung cấp cho thị trường sản phẩm sạch, chất lượng, tạo hiệu quả kinh tế cao.

Không chỉ có vậy, huyện Thanh Trì còn có nhiều mô hình xây dựng thôn thông minh gắn với thực hiện thí điểm hỗ trợ thủ tục hành chính 24/7 giúp công dân tiếp cận với dịch vụ công trực tuyến, thụ hưởng dịch vụ thuận lợi, tiết kiệm chi phí, thời gian. Tính đến tháng 10/2024, huyện đã thành lập và đi vào hoạt động 23 điểm tại 16 xã, thị trấn.

Thanh Trì (Hà Nội): Diện mạo mới của huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Xây dựng hạ tầng được huyện Thanh Trì chú trọng, xác định là động lực, tiền đề cho phát triển, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững giữa kinh tế, xã hội với ổn định môi trường sinh thái. (Ảnh: Ý Nhi)

Theo số liệu báo cáo, năm 2015, tất cả các xã trên địa bàn huyện Thanh Trì đã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2017, huyện là một trong ba huyện đầu tiên của Thành phố được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tiếp đến, năm 2022, toàn huyện có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và năm 2023, có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, thị trấn Văn Điển đạt chuẩn đô thị văn minh.

Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Phong chia sẻ: “Sau khi hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao và 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, diện mạo nông thôn huyện Thanh Trì có nhiều đổi thay vượt bậc, kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực”.

Chú trọng xây dựng hạ tầng tạo động lực phát triển

Một trong những điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới của huyện Thanh Trì phải kể đến công tác quy hoạch. Huyện xác định, công tác quy hoạch có vai trò rất quan trọng, phải được đi trước một bước, mở đường cho phát triển kinh tế – xã hội.

Trong đó, quan tâm phát triển các khu đô thị mới theo hướng đô thị sinh thái trên địa bàn huyện. Hiện nay, UBND Thành phố Hà Nội đã phê duyệt 7 đồ án quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn huyện Thanh Trì phủ kín 100% địa giới hành chính của huyện.

Đặc biệt, xây dựng hạ tầng được huyện chú trọng, xác định là động lực, tiền đề cho phát triển; bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững giữa kinh tế, xã hội với ổn định môi trường sinh thái; vấn đề liên kết không gian chặt chẽ giữa đô thị và nông thôn.

Ngoài ra, vấn đề giải quyết việc làm cho lao động sau thu hồi đất và đào tạo nghề cho lao động nông thôn, vấn đề môi trường, cải tạo, nâng cấp hạ tầng nông thôn cũng được ưu tiên quan tâm, đầu tư.

Hiện nay, hệ thống giao thông trên địa bàn Thanh Trì được nhựa hóa, bê tông hóa, có hệ thống biển báo, đảm bảo kết nối liên xã, liên vùng và giữa các vùng nguyên liệu tập trung, phù hợp với quá trình đô thị hóa.

Thanh Trì (Hà Nội): Diện mạo mới của huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện Thanh Trì được nhựa hóa, bê tông hóa, đảm bảo kết nối liên xã, liên vùng và giữa các vùng nguyên liệu tập trung, phù hợp với quá trình đô thị hóa. (Ảnh: Ý Nhi)

Toàn huyện có 562,22km đường huyện, đường xã kết nối được nhựa hóa, bê tông, xi măng hóa; 134,77km đường huyện qua khu vực đô thị đáp ứng tiêu chuẩn đường đô thị, có các hạng mục cần thiết về an toàn giao thông theo quy định (biển báo, biển chỉ dẫn, chiếu sáng, gờ giảm tốc, lan can phòng hộ…) được trồng cây xanh, được bảo trì hàng năm, đảm bảo sáng – xanh – sạch – đẹp.

Ông Nguyễn Văn Khải, một người dân xã Yên Mỹ cho biết: “Chương trình nông thôn mới được triển khai đã góp phần giúp bộ mặt địa phương được thay đổi. Hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng, đường sá nông thôn, cảnh quan, môi trường được đầu tư bài bản đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần cho người dân Yên Mỹ”.

“Đời sống của người dân nơi đây ngày càng được nâng cao, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đường làng ngõ xóm khang trang, sạch đẹp. Người dân địa phương chúng tôi luôn tích cực ủng hộ, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu đạt được của chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn xã Yên Mỹ”, ông Khải nhấn mạnh.

Huyện Thanh Trì cũng xác định phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ nhằm nâng cao thu nhập cho người dân là nội dung trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới. Huyện đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến nay, huyện đã thực hiện có hiệu quả hai Đề án củng cố sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp.

Theo số liệu thống kê, giá trị sản xuất trồng trọt bình quân đạt trên 255 triệu đồng/ha; có 64 hợp tác xã hoạt động hiệu quả; 6 làng nghề và 129 sản phẩm OCOP đã được đánh giá xếp hạng đạt từ 3 sao trở lên; 64 sản phẩm đạt 4 sao. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của 15 xã nông thôn mới đạt 77,3 triệu đồng/người; tỷ lệ nghèo đa chiều của 15 xã nông thôn mới giảm còn 0,1%.

Nâng chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Chia sẻ về kế hoạch phát triển nông thôn mới, đại diện phòng Kinh tế huyện Thanh Trì cho biết: “Thời gian tới, huyện chúng tôi tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo hướng phát triển đô thị với mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế, phát triển thương mại dịch vụ, phát huy các giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc, quan tâm đến công tác giáo dục, y tế, chất lượng môi trường sống, dịch vụ, du lịch, môi trường, cảnh quan, không gian nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh”.

Thanh Trì (Hà Nội): Diện mạo mới của huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Sau khi hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao và 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, diện mạo nông thôn huyện Thanh Trì có nhiều đổi thay vượt bậc, kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực. (Ảnh: Ý Nhi)

Huyện cũng đặt mục tiêu thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 80 triệu đồng/người/năm. Không còn hộ nghèo và hộ tái nghèo theo tiêu chuẩn của Thành phố; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 90%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ở các xã, thị xã đạt 96%…

Huyện Thanh Trì sẽ tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với đầu tư, xây dựng huyện Thanh Trì phát triển thành quận. Phát triển nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, mô hình liên kết chuỗi gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho người dân; đẩy mạnh phát triển kinh tế, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng tăng dần tỷ trọng thương mại, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.

 

(Theo Báo Xây Dựng)